Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và hoạt động cách mạng ở nhiều nơi, nhiều nước, trong đó có Quảng Châu, Trung Quốc (1924 - 1927). Đây là nơi Người đã sống và hoạt động trong thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác lần thứ nhất và đó cũng là địa bàn gần Tổ quốc mà Người đã lựa chọn trở về hoạt động để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp và dân tộc Việt Nam.
Lựa chọn Quảng Châu là một bước đi quan trọng
Trên hành trình tìm đường cứu nước để giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bất công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước trong thời đại mới - con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã giành thắng lợi và Người đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Một chặng đường mới trên hành trình hoạt động cách mạng của Người - khi rời Pháp đến nước Nga Xô Viết để học tập, trau dồi lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin; khi tiến hành các hoạt động thực tiễn phong phú đã giúp Người hiểu rõ cần phải đi về đâu và làm thế nào để tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc đã viết trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về Tổ quốc, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(1). Đến nước Nga, khi trả lời phỏng vấn Giôvanni Giécmanto - Phóng viên báo L’Unità, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia, ngày 15/3/1924: “Khi học xong, anh dự định làm gì?”, Nguyễn Ái Quốc đã trả lời: “Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi còn nhiều việc phải làm lắm”(2). Tuy nhiên, từ những hoạt động lý luận và thực tiễn ở Liên Xô, nhận thức của Người về cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa, mối quan hệ giữa cách mạng ở thuộc địa với cách mạng ở chính quốc… đã giúp Người xác định được con đường để giải phóng dân tộc, vì thế kế hoạch “trở về Tổ quốc” của Người đã thay đổi. Điều này thể hiện rõ trong Thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ngày 11/4/1924 của Nguyễn Ái Quốc: “Trước hết tôi phải đi Trung Quốc. Tiếp đó sẽ hướng sự hoạt động theo những khả năng sẽ xuất hiện”(3) - Đó chính là thiết lập những quan hệ giữa Đông Dương và Quốc tế Cộng sản; thông báo tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của thuộc địa này; tiếp xúc với các tổ chức đang tồn tại ở đó; tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền…
Nguyễn Ái Quốc đào tạo cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc (Tranh tư liệu)
Trong khi đó, ở Trung Quốc, tình hình Quốc - Cộng hợp tác có chiều hướng phát triển tốt đã thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Trung Quốc, nhất là ở Quảng Châu. Vì thế, để tăng cường cán bộ cho phái bộ M. M. Bôrôđin giúp đỡ cách mạng Trung Quốc, ngày 25/9/1924, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã quyết định: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cần đi Quảng Châu. Chi phí do Ban Phương Đông chịu”(4) theo đề nghị của Người. Vì thế, Người đã rời nước Nga và ngày 11/11/1924, về đến Quảng Châu, Trung Quốc (trên cương vị phái viên của Quốc tế Cộng sản; trong Phái bộ của Cố vấn Bôrôđin, bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn), với tên gọi Lý Thụy để triển khai kế hoạch hoạt động của mình. Từ những “ưu thế” không thể phủ nhận của Quảng Châu, có thể hiểu được vì sao Nguyễn Ái Quốc lại chọn địa bàn chiến lược này làm điểm “dừng chân” để xây dựng “căn cứ địa” và triển khai những hoạt động quan trọng trong lộ trình giải phóng dân tộc.
Thứ nhất, Quảng Châu khi đó đang là trung tâm phong trào cách mạng của Trung Quốc. Năm 1924, được Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp đỡ, Tôn Trung Sơn đã cải tổ thành công Quốc Dân Đảng, thành lập Chính phủ Cách mạng tại Quảng Châu và với vị thế Tổng thống, Tôn Trung Sơn đã tiến hành công cuộc hợp tác giữa Quốc Dân Đảng với Đảng Cộng sản lần đầu tiên; đã tiếp nhận sự trợ giúp của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô (với sự giúp đỡ của Đoàn cố vấn do Liên Xô và Quốc tế Cộng sản cử tới); đồng thời triển khai thực hiện 3 chính sách lớn “Liên Nga, liên Cộng, phù trợ công nông”.
Thứ hai, Quảng Châu khi đó đang được mệnh danh là “Mátxcơva của phương Đông”. Khi ấy, những người cộng sản Trung Quốc như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Trương Thái Lôi... mà Nguyễn Ái Quốc từng gặp gỡ, cùng hoạt động cách mạng khi còn ở Paris và được Người giới thiệu vào Đảng Cộng sản Pháp thập niên 1920 cũng đã có mặt tại Quảng Châu, nên nơi đây đã thu hút nhiều nhà cách mạng từ những nước thuộc địa và phụ thuộc đến hoạt động.
Thứ ba, Quảng Châu khi đó vừa gần Việt Nam, vừa là địa bàn đang có nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước, đầy nhiệt huyết sang hoạt động, trong đó có tổ chức Tâm Tâm Xã. Dù là một tổ chức yêu nước, nhưng Cương lĩnh của tổ chức này vừa chưa rõ ràng, vừa phần nào chịu ảnh hưởng của một số tổ chức cánh tả ở Trung Quốc, nên đây cũng vừa là mảnh đất tốt, vừa có những hạt giống tốt để Nguyễn Ái Quốc có thể gieo mầm con đường cách mạng vô sản theo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Hơn nữa, Quảng Châu còn có những điều kiện tương đối thuận lợi về giao thông, dễ thực hiện việc chuyển tài liệu, sách báo bí mật cũng như đưa người sang và đưa người về nước để phát triển phong trào cách mạng…
Thực tế là Nguyễn Ái Quốc không chỉ lựa chọn Quảng Châu để thực hiện “lộ trình” giải phóng dân tộc Người đã ấp ủ, mà Người còn triển khai lộ trình đó vừa đúng đắn vừa phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam để tiến hành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc trong những thập niên sau.
Dấu ấn của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu
Được về hoạt động tại một địa bàn gần Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc không chỉ kịp thời báo cáo tình hình của Người về Mátxcơva (thông qua 3 bức thư gửi cho Quốc tế Cộng sản; cho đồng chí Đômban - Tổng thư ký Quốc tế Nông dân và cho Ban biên tập Tạp chí Rabốtnhítxa), mà còn nhanh chóng bắt liên lạc với những người Việt Nam yêu nước, trong đó có những thanh niên hăng hái nhất trong tổ chức Tâm Tâm xã để mở rộng địa bàn hoạt động. Với công việc này, Người đã báo cáo cán bộ phụ trách Ban Phương Đông là “đã tìm thấy ở đây một vài người Đông Dương mà với họ, tôi hy vọng làm được việc gì đó”(5).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, tháng 8/2024. (Ảnh: TTXVN)
Tiếp đó, từ những thanh niên yêu nước này, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925) - một tổ chức có tính chất quần chúng “có khuynh hướng mácxít”, với hạt nhân là Cộng sản đoàn gồm 9 đồng chí (Lê Hồng Sơn tức Lê Văn Phan; Lê Hồng Phong tức Lê Huy Doãn; Hồ Tùng Mậu tức Hồ Bá Cự; Lê Quảng Đạt tức Lê Doạt; Vương Thúc Oánh; Trương Vân Lĩnh tức Lệnh; Lưu Quốc Long tức Quý; Lý Quý tức Trần Phú; Lâm Đức Thụ tức Nguyễn Chí Viễn).
Được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số; thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình; yêu cầu tất cả các hội viên phải hoạt động trong quần chúng, tuyệt đối giữ bí mật hoạt động của Hội... Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã thu hút nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước đến Quảng Châu dù thực dân Pháp khủng bố gắt gao.
Có thể nói, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên là một sáng tạo, có chủ đích của Nguyễn Ái Quốc, bởi “trong tư tưởng của những người đứng ra tổ chức thì Hội này sẽ là cơ sở cho một đảng lớn hơn và tương lai đã chứng minh điều đó”(6) . Thông qua những hội viên của Hội này và qua hoạt động của phong trào vô sản hoá, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ được truyền bá về trong nước, xâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, mà còn thúc đẩy, làm thay đổi tính chất, chiều hướng phát triển của phong trào cách mạng trong nước, làm cho khuynh hướng vô sản lan tỏa, phổ rộng và phong trào công nhân chuyển dần từ tự phát sang tự giác…
Không chỉ dừng ở việc sáng lập và tổ chức hoạt động Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc còn tiến hành đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán “thời dựng Đảng” cho cách mạng Việt Nam bằng việc mở các Lớp huấn luyện chính trị tại số nhà 13 và 13/1 đường Văn Minh (nay là số nhà 248 và 250). Nguyễn Ái Quốc là người trực tiếp phụ trách lớp và là giảng viên chính của các khóa học. Ngoài ra còn có Hồ Tùng Mâu, Lê Hồng Sơn; một số cán bộ trong Đoàn cố vấn của Liên Xô và một số cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các bài giảng tập trung vào 3 loại vấn đề “cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam và phương pháp vận động cách mạng” gắn với hoạt động ra “bích báo” của học viên; tổ chức các vở diễn “kịch cương”, sinh hoạt văn nghệ hoặc tham quan Trường Quân sự Hoàng Phố… đã giúp cho các học viên sự liên hệ lý luận với thực tiễn. Với 3 khóa huấn luyện (từ đầu năm 1926 - 4/1927), đã có khoảng 75 học viên học xong đã trở về nước và đến Xiêm hoạt động. Đó chính là những “hạt giống đỏ”, những người tuyên truyền, tổ chức phong trào cách mạng ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Nam Kỳ và Việt kiều ở Xiêm.
Đặc biệt, ngay từ thời gian này, để thực hiện sự kế tục trong xây dựng và đào tạo cán bộ, Nguyễn Ái Quốc không chỉ lựa chọn một số thanh niên Việt Nam để gửi đi học ở Trường Đại học Phương Đông và Trường Quân sự Hoàng Phố, mà còn viết thư gửi Uỷ banTrung ương thiếu nhi Liên xô, gửi thư cho đại diện đoàn Thanh niên cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên cộng sản đề nghị giúp đỡ, để gửi một số thiếu niên Việt Nam sang Liên Xô học tập. Mục đích của Người là “để các em được tiếp thu một nền giáo dục cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp, trở thành những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam”- “những chiến sĩ Lêninnít tí hon chân chính” - hạt nhân vừa hồng vừa chuyên của Đoàn Thanh niên Cộng sản sau này. Đó cũng chính là thế hệ “rường cột” đảm đương vai trò kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh.
Cùng với việc đào tạo cán bộ, Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản sách, báo chí làm phương tiện tuyên truyền. Đầu tiên, báo Thanh Niên ra đời, số 1 ra ngày 21/6/1925. Trong tổng số 202 số báo Thanh Niên, thì có có 88 số báo được xuất bản từ 21/6/1925 - 17/4/1927 do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp biên soạn, sửa chữa. Từ việc xác định rõ mục đích của báo là “gửi về nước để tuyên truyền cho nhân dân”, Người chọn lối viết ngắn gọn, dễ hiểu thể hiện qua tranh vẽ, ca dao, thơ ca, khẩu hiệu đăng tải trong các chuyên mục Tin tức trong nước, Thế giới, Phụ nữ, Từ điển cách mạng,v.v.. để tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa cộng sản, Đảng Cộng sản. Nội dung của các bài báo không chỉ khơi dậy truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm, mà còn kêu gọi tinh thần đoàn kết của mọi người dân để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc.
Dù số lượng phát hành không nhiều (100 bản), nhưng báo Thanh Niên có hình thức nhỏ, gọn được chuyển về trong nước, được người dân truyền đọc và ghi chép lại đã góp phần mang hơi thở của thời đại đến với phong trào công nhân, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam; đồng thời đưa ý thức hệ vô sản lan tỏa trong đời sống xã hội Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng Mácxít Lêninnít kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam.
Sau báo Thanh Niên, Người cho xuất bản báo Công nông (từ 12/1926 - đầu năm 1928), Bán nguyệt san Lính Cách mệnh (đầu năm 1927 - đầu năm 1928); Việt Nam tiền phong cho những đối tượng hẹp hơn…
Tiếp đó, Nguyễn Ái Quốc dành thời tập hợp và hoàn thiện những bài giảng của mình tại các Lớp huấn luyện chính trị để xuất bản thành cuốn sách Đường Kách mệnh. Sách được Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản đầu năm 1927, làm tài liệu học tập và truyên truyền. Đường Kách mệnh được bí mật được chuyển về trong nước không chỉ là một trong những tác phẩm lý luận quan trọng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam, mà còn góp phần trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin cho nhân dân/đưa thế giới đương đại hội nhập với Việt Nam và đưa cách mạng Việt Nam hội cùng dòng chảy của cách mạng thế giới.
Những năm tháng ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc còn cùng với các đồng chí Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Miến Điện… vận động thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (9/7/1925) nhằm đoàn kết, liên lạc với các dân tộc bị áp bức cùng làm cách mạng nhằm đánh đổ đế quốc, bởi “con đường thoát duy nhất để xóa bỏ sự áp bức chỉ có thể là liên hiệp các dân tộc nhỏ yếu bị áp bức và giai cấp vô sản toàn thế giới”(7).
Tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức mở rộng hơn Hội Liên hiệp thuộc địa (1922) không chỉ “đánh dấu sự thức tỉnh của các dân tộc châu Á”, mà còn nhanh chóng thu hút đông đảo sự tham gia của chi hội Nông dân Quảng Đông, Hội Phụ nữ Quảng Đông,v.v.. Với Hội này, Nguyễn Ái Quốc “mang tên Lý Thụy là một trong những người lãnh đạo của Hội, được bầu làm Bí thư kiêm phụ trách công việc tài chính của Hội, đồng thời cũng là người trực tiếp phụ trách chi bộ Việt Nam của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức”(8).
Cũng ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm, nghiên cứu tình hình nông dân Trung Quốc (bài viết “Tình cảnh nông dân Trung Quốc” ngày 4/1/1924; “Nông dân Trung Quốc” ngày 19 - 21/3/1925); đã tham gia tổ chức Đại hội lần thứ nhất của nông dân tỉnh Quảng Đông (1/5/1925); đã tham gia tổ chức Hội nghị đại biểu đầu tiên của 20 vạn nông dân tỉnh Quảng Đông và Hội nghị đại biểu lần thứ hai của công nhân Trung Quốc (đầu tháng 5/1925) nhằm “thành lập một Mặt trận thống nhất giữa những người bị bóc lột ở thành thị và nông thôn”; đã tham gia đội diễn thuyết, ủng hộ cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Trung Quốc…
Thực tế là sau ngày 12/4/1927, mặc dù Tưởng Giới Thạch đã tiến hành đảo chính phản cách mạng và đàn áp khủng bố các lực lượng cách mạng, nhưng Nguyễn Ái Quốc “vẫn tiếp tục ở lại Quảng Châu để bí mật liên lạc với các đồng chí Trung Quốc và duy trì công việc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”(9), thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm của một người chiến sĩ cộng sản quốc tế…
Tháng 6/1927, trước khi rời Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã viết gửi Ban Phương Đông kết quả công tác của mình: “Mặc dù thiếu thời gian và tiền, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí người Nga và Annam, chúng tôi đã có thể: 1) Đưa 75 thanh niên Annam đến học ở Trường tuyên truyền do chúng tôi tổ chức ở Quảng Châu, 2) Xuất bản ba tờ tuần báo nhỏ, 3) Phái những người tuyên truyền vừa mới được đào tạo về Xiêm, Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ, 4) Thành lập một liên đoàn cách mạng do một uỷ ban gồm 5 uỷ viên ở Quảng Châu lãnh đạo, liên đoàn đã bắt rễ khắp nơi trong tất cả các xứ Đông Dương đó”(10). Những nội dung ngắn gọn trong báo cáo này là kết quả thực hiện kế hoạch mà Nguyễn Ái Quốc đã đề ra trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (11/11/1924 - 5/1927). Những kết quả này không chỉ có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần quan trọng dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; con đường và tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng sau đó, mà còn tác động đến phong trào cách mạng Trung Quốc nói riêng và Quốc tế Cộng sản nói chung.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm di tích lưu niệm Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu, Trung Quốc, ngày 15/6/2024. (Nguồn: VOV).
Những thông tin trong các báo cáo, trong những bài viết của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ này không những giúp Quốc tế Cộng sản nắm được tình hình phong trào cách mạng ở các nước phương Đông, mà còn phân tích, đánh giá, làm phong phú hơn lý luận của Quốc tế Cộng sản trong lãnh đạo phong trào cách mạng vô sản bởi thực tiễn sinh động ở Trung Quốc và An Nam…
Đặc biệt, từ sự am hiểu tình hình Trung Quốc, phong trào cách mạng Trung Quốc - Nguyễn Ái Quốc đã không chỉ là Người bắc nhịp cầu đoàn kết giữa những người cộng sản Việt Nam và những người cộng sản Trung Quốc, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc, mà còn đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ tương hỗ, tương trợ, cùng đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc “có núi liền núi, sông liền sông” ở những thời kỳ sau./.
TS. VĂN THỊ THANH MAI
___________________
(1) (2) (3) (4) (5) (8) (9) (10) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, t.1, tr.209, 467, 207, 209, 237, 256, 298, 300.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.3, tr.41.
(7) T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Sự thật, H, 1976, tr.27.